Sự kiện Chiến tranh Tống - Việt (1075 - 1077)

Chiến tranh Tống - Việt, 1075-1077 là tên gọi cuộc chiến tranh giữa nhà Lý nước Đại Việt và nhà Tống của Trung Quốc vào cuối thế kỷ 11. Giai đoạn đầu, tướng nhà Lý là Lý Thường Kiệt đã chủ động đánh sang đất Tống trong chiến dịch 1075-1076; Giai đoạn sau, quân Lý rút về phòng thủ chống lại cuộc nam tiến của đại quân Tống trong năm 1076-1077 và cuối cùng đẩy lui được quân Tống ra khỏi lãnh thổ Đại Việt.

Chiến tranh Tống - Việt (1075 - 1077):

Diễn biễn lịch sử:

Chiến tranh Tống - Việt, 1075-1077 là tên gọi cuộc chiến tranh giữa nhà Lý nước Đại Việt và nhà Tống của Trung Quốc vào cuối thế kỷ 11. Giai đoạn đầu, tướng nhà Lý là Lý Thường Kiệt đã chủ động đánh sang đất Tống trong chiến dịch 1075-1076; Giai đoạn sau, quân Lý rút về phòng thủ chống lại cuộc nam tiến của đại quân Tống trong năm 1076-1077 và cuối cùng đẩy lui được quân Tống ra khỏi lãnh thổ Đại Việt.


l. Triều Tống tiếp tục mưu đồ bành trướng

Cuối thế kỉ X, năm 981, Lê Hoàn đã đánh tan hai đạo quân xâm lược Tống, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Đại Cồ Việt và buộc nhà Tống phải giữ ''hòa hiếu" trong một thời gian dài, nhưng trong thâm tâm các vua Tống vẫn chưa từ bỏ ý đồ đánh chiếm nước ta.

Khi mới thiết lập vương triều, năm 960, nhà Tống chưa thống nhất được hoàn toàn đất nước. Phía bắc và phía tây bắc hai tộc Khiết Đan và Đảng Hạng vẫn kiểm soát một phần đất đai Trung Quốc. Khiết Đan lập ra nước Đại Liêu (vùng Nhiệt Hà), Đảng Hạng lập ra nước Hạ (vùng Cam Túc). Nhà Tống rất vất vả vì hai nước này. Từ cuối thế kỉ X và nửa đầu thế kỉ XI, luôn luôn có chiến tranh Tống - Liêu, Tống - Hạ.

Trong hoàn cảnh đó, Tống Thần Tông và tể tướng Vương An Thạch chủ trương gây chiến với Đại Việt. Họ còn hi vọng dùng chiến công ngoài biên thùy để trấn áp phe đối lập trong triều. Hơn nữa họ lại còn mong dọa nạt Liêu Hạ. Họ bàn rằng: ''Nếu thắng, thế Tống sẽ tăng, các nước Liêu Hạ sẽ phải kiêng nể".

Nhà Tống tổ chức ở khu vực biên giới Việt - Trung thành một hệ thống căn cứ xâm lược lợi hại, tức vùng Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay. Như vậy con đường hành quân từ nước Tống vào Đại Việt chỉ có một hướng quá vùng này mà thôi. Vùng này có thành Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây) và cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu (Quảng Đông) rất thuận lợi cho xuất quân từ Tống vào Đại Việt. Ung Châu nằm trên điểm hợp lưu của sông Tả Giang và Hữu Giang, là một vị trí quan trọng của Quảng Tây: Bao quanh phía Nam Ung Châu sẵn có nam trại Hoành Sơn, Thái Bình, vĩnh Bình, Cổ Vạn, Thiên Long. Từ Ung Châu đến cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu khoảng trên 100km, từ Khâm Châu chỉ một ngày thuyền là đến châu Vĩnh An (Móng Cái) của Đại Việt.

Ở Ung Châu, căn cứ hậu cần lớn nhất chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đại Việt năm 1071, triều Tống đã cử Tô Giám, một lão tướng có nhiều kinh nghiệm, đã từng đánh thắng Nùng Trí Cao và rất am hiểu tình hình Đại Việt đến phụ trách. Tô Giám cho xây thành Ung Châu rất kiên cố. Thành có riêng 5000 quân (3.000 đóng ở 5 trại xung quanh) chuyên lo việc biên thùy.

Tất cả những điều trên đây đã bộc lộ rõ mưu toan bành trướng của triều Tống đối với Đại Việt. Vương triều Lý đã nhận thức được sâu sắc ý đồ đó. Các vua đầu tiên của nhà Lý đã có kế hoạch bảo vệ Tổ quốc rất chủ động. Bên ngoài, các vua Lý một mặt hết sức mềm dẻo để có quan hệ ngoại giao bình thường, nhưng mặt khác, nối tiếp chính sách của các vua thời Tiền Lê, các vua Lý tăng cường phòng thủ biên giới phía bắc, kiên quyết chống trả những cuộc xâm lấn của nhà Tống.

2. Phá tan cứ điểm xâm lược Ung Châu bẻ gãy từ đầu thế chủ động của Tống.

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông chết: Vua Nhân Tông mới 6 tuổi lên nối ngôi. Nhà Tống cho rằng đó là một cơ hội tốt nên càng đẩy mạnh việc chuẩn bị xâm lược Đại Việt. Ở vùng Ung Châu, Lưu Di hoạt động quá lộ liễu đến nỗi Tô Giám phải khuyên can: Giám lại đưa thư cho Di, bảo đừng làm những sự khiêu khích giặc''.

Trước tình hình đó, triều đình nhà Lý đã đối phó rất khẩn trương. Vua Nhân Tông lúc này còn nhỏ tuổi nên tất cả quyền binh đều nằm trong tay quan phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt. Chính Lý Thường Kiệt đã đảm đương công việc tổ chức, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược ở thế kỉ XI.

Năm 1074, Lý Thường Kiệt đã mời Lý Đạo Thành vốn là quan thái sư đời Thánh Tông, từ Nghệ An trở lại triều đình. giữ chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự. Hai ông đã hợp lực cùng lo toan việc nước trong lúc nguy nan.

Sau khi củng cố lại lực lượng, ngăn ngừa bất trắc phía nam, Lý Thường Kiệt không bị động chờ đợi giặc mà đã quyết định tiến công địch trước để đẩy giặc vào thế bị động, giành giấy thế chủ động cho cuộc kháng chiến. Ông nói: "Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc''.

Triều đình tán thành chủ trương đó. Lý Thường Kiệt liền tổ chức một cuộc tập kích vào đất Tống nhằm phá tan các cứ điểm xâm lược Ung, Khâm, Liêm mà chủ yếu là thành Ung Châu rồi quay về phòng thủ đất nước, chủ động đến đánh địch.

Trong cuộc tập kích này, Lý Thường Kiệt đã huy động hơn 10 vạn quân thủy bộ. Về mặt bộ, lực lượng chủ yếu là quân lính các tộc thiểu số do các tù trưởng của họ là Tông Đản, Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Thân Cảnh Phúc, Vi Thủ An chỉ huy. Phụ trách chung là Tông Đản. Bộ binh tập trung ngay ở các châu Quảng Nguyên, Môn (Đông Khê), Quang Lang, Tô Mậu. Chủ lực của đợt tập kích đã theo đường thủy, do đích thân Lý Thường Kiệt chỉ huy, đóng ở châu Vành An (Móng Cái, Quảng Ninh).

Ngày 27- 10- 1075 chiến dịch tập kích quân địch của Lý Thường Kiệt bắt đầu. Ngày 30- 12- 1075 quân ta tiến đánh Khâm Châu. Ngày 2- 1- 1076, quân ta đánh chiến Liêm Châu dễ dàng. Quân Tống không cản nổi đường tiến của quân ta. Nhưng để làm sáng tỏ mục đích của cuộc tập kích vào đất Tống, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, Lý Thường Kiệt đã cho niêm yết khắp nơi tờ ''Phạt Tống lộ bố văn".

Ngày 18- 1- 1076, Tông Đản kéo quân đến ngoại thành Ung Châu. Ngay sau đó, đại quân Lý Thường Kiệt cũng đến nơi.

Cuộc vây thành Ung Châu kéo dài hơn một tháng. Quân địch khốn quẫn vì cạn lương, thiếu nước... Viện binh lại bị tiêu diệt không đến được. Đến ngày 1- 3- l076, quân ta mới hạ được Ung Châu. Cuộc chiến đấu quyết liệt đã kết thúc sau 42 ngày. Mục đích của cuộc tiến công Ung Châu là để tự vệ một cách tích cực. Đó là một bộ phận khăng khít, là giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống. Bằng cuộc tiến công táo bạo đó, Lý Thường Kiệt đã đẩy kẻ thù vào thế bị động và tạo ra nhiều điều kiện có lợi để đánh bại âm mưu của kẻ thù. Những căn cứ quân sự và hậu cần mà nhà Tống dốc bao công phu, thời gian xây dựng, phút chốc bị phá hủy tan tành. Cuộc hành binh xâm lược của chúng phải chậm trễ vì gặp nhiều khó khăn.

3. Dự phòng tuyến phá giặc

Biết chắc quân Tống thế nào cũng sang xâm lược để thực hiện mục đích đã theo đuổi từ lâu và để phục thù, nên Lý Thường Kiệt đã chủ động rút về rất sớm để xúc tiến việc chuẩn bị kháng chiến.

Nhà Tống không nghĩ đến việc quân ta tiến sang đánh phá các căn cứ xâm lược Ung, Khám, Liêm. Và một tháng sau khi mất châu Khâm, châu Liêm, triều đình Tống mới biết tin. Bị bất ngờ, vua tôi Tống rất hoảng sợ. Ti binh lược Quảng Tây xin thêm viện binh, lương thực, khí giới. Vua Tống ra lệnh phải cố thủ Quảng Tây. Triều đình cách chức Tri Quế Châu của Lưu Di, cho Quảng Tây 50.000 quan tiền để mộ thêm quân, mua thêm thóc. Đồng thời triều đình Tống quyết định đem ngay đại binh đánh thắng vào nước ta vừa thực hiện ý đồ xâm lược, vừa giải vây cho Ung Châu.

Ngày 2-2- l076 Triệu Tiết, người đã có nhiều chiến công đánh nước Hạ, được cử làm An Nam đạo hành doanh mã bộ đô tổng quản. Nhiều tướng giỏi khác ở biên thùy phía bắc như Lý Hiến, Yên Đạt, Ôn Cảo v.v... làm tùy tùng cho Triệu Tiết. Vua Tống lại viết "Thảo Giao Chỉ chiếu'' dụ dỗ ta: "Chiếu cho quân Giao Chỉ hay: khi thấy quan quân đến thì đừng chạy. Dân chúng đã chịu khổ sở lâu ngày, nếu dỗ được chúa các ngươi vào nội phủ, trẫm sẽ thưởng tước lộc cho. Càn Đức (vua Lý Nhân Tông - TG) còn trẻ, việc làm loạn không phải tự ngươi gây ra. Ngày nào ngươi tới chầu, trẫm sẽ tha thứ cho.

Đạo quân của Triệu Tiết chưa lên đường thì quân ta đã hạ được thành Ung Châu và rút về nước. Một lần nữa nhà Tống lại phải bị động thay đổi kế hoạch, dừng cuộc tiến quân, chuẩn bị kĩ càng hơn. Trước hết là sắp xếp lại tướng tá. Triệu Tiết và Lý Hiến mâu thuẫn với nhau, nên vua Tống phải cử thêm tướng Quách Quỳ.

Bấy giờ Quách Quỳ nhận chức chánh tướng, Triệu Tiết làm phó lo việc binh lương. Quách Quỳ cũng là tướng miền Bắc, đã từng giúp Phạm Trọng Yêm chống Hạ. Các tùy tướng cũng đều lấy từ các doanh trại Tây Bắc. Binh sĩ được huy động là l0 vạn quân kị bộ, 1 vạn ngựa. Trong số này 4,5 vạn là quân rút từ miền biên giới Liêu Hạ, do 9 tướng chỉ huy. Số còn lại là trưng tập ở các lộ, đặc biệt là các lộ dọc đường từ kinh đô đến Ung Châu.

Ngoài l0 vạn quân chiến đấu còn có 20 vạn phu đi phục vụ. Như vậy là bộ phận chủ yếu của đạo quân xâm lược này là những võ quan và binh sĩ thiện chiến. Trang bị của bố binh Tống ngoài vũ khí thông thường còn có máy bắn đá và hỏa tiễn (pháo thăng thiên). Vua Tống còn sai hàn lâm y quân viện chọn 57 bài thuốc trị lam chướng làm thành thuốc hoàn cho mang theo để chữa bệnh cho binh sĩ.

Lý Thường Kiệt thấy rằng Tống là một vương quốc lớn và đã điều động một đạo quân xâm lược khổng lồ ( binh phu hơn 30 vạn);vì thế nếu ta đem toàn bộ lực lượng ra quyết chiến với chủ lực địch ngay khi chúng mới vào biên giới thì rất bất lợi. Nhưng mặt khác ông lại thấy nhà Tống tiến hành cuộc chiến tranh này trong thế bị động, trong lúc gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự uy hiếp của Liêu, Hạ. Nhà Tống không thể kéo dài chiến tranh, không thể dốc nhiều lực lượng cho chiến tranh. Vua Tống dặn Quách Quỳ ''phải lo việc An Nam cho chóng xong". Còn về phía ta thì tiềm lực vật chất tuy là hơn địch, nhưng vua tôi, quân dân đều đồng lòng quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc với tư thế chủ động của người vừa giành thắng lợi trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến và ta lại được chiến đấu trên đất nước mình, quê hương mình.

Lý Thường Kiệt quyết định sẽ chặn đứng bước tiến của quân xâm lược trước miền đất chủ yếu của Tổ quốc. Đó là kinh đô Thăng Long, đầu não của lực lượng kháng chiến, là phủ Thiên Đức (Từ Sơn, Bắc Ninh) quê hương của nhà Lý, là vùng đồng bằng phì nhiêu giàu có, đông dân. Đó cũng chính là mục tiêu chủ yếu mà quân địch cần đánh chiếm.

Thủy binh địch tập trung ở Khâm Châu. Từ Khâm Châu, theo Chu Khứ Phi, tác giả sách Lĩnh ngoại đại đáp (đời Tống) thuyền đi một ngày đến châu Vành An. ở Vành An thuyền theo sông Đông Kênh vào cửa Bạch Đằng, lên Vạn Xuân (Phả Lại trên sông Lục Đầu) để vào Thăng Long hoặc tiếp ứng các ngả cho các cánh quân bộ. Thủy binh địch không phải là lực lượng lớn, lại không tinh nhuệ nhưng có nhiệm vụ phối hợp với bộ binh "ghé và bờ Bắc sông để chở đại quân qua sông"'.

Về mặt biển, phía ta tướng Lý Kế Nguyên phụ trách một đội thủy binh đóng dọc sông Đông Kênh. Sông Đông Kênh là đoạn nối ven biển giữa đất liền và các hải cảng từ Móng Cái vào đến cửa Bạch Đằng. Lý Kế Nguyên phải chặn bằng được thủy binh địch, làm thất bại kế hoạch - hợp quân thuỷ bộ của Tống.

Lực lượng chủ yếu của địch trong cuộc xâm lược này là bộ binh và kị binh. Quân kị, quân bộ tập kết ở Ung Châu và các trại xung quanh. Từ đó quân địch sẽ theo nhiều đường qua vùng Đông Bắc nước ta để tiến vào Thăng Long.

Các mũi tiến công của bộ binh địch đều phải đi qua vùng núi rừng Đông Bắc hiểm trở. Đó là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày. Lý Thường Kiệt giao cho các tù trưởng chỉ huy các đội quân thiểu số, lúc đó gọi là quân thượng du - lợi dụng địa hình, đón đánh địch.

Phò mã Thân Cảnh Phúc, thủ lĩnh châu Quang Lang đóng quân ở động Giáp (vùng Kép, Bắc Giang), khống chế con đường chính Lạng Sơn – Thăng Long. Lợi hại nhất là những đội phục binh của ông đặt ở đèo Quyết Lí và ải Giáp Khẩu.

Yểm trợ cho Thân Cảnh Phúc về phía tây là quân của Sầm Khánh Tân, Nùng Thuận Linh, Hoàng Kim Mãn ở vùng Châu Môn, ngăn chặn đường từ Bình Gia (Lạng Sơn) đến Thái Nguyên. Phía đông Thân Cảnh Phúc là quân của Vi Thủ An đóng ở châu Tô Mậu ngăn chặn đường từ Tư Lăng (thuộc Ung Châu) đến Lạng Châu. Những đạo quân thiểu số trên đây rất thông thạo địa hình, là nỗi e ngại lớn cho kẻ địch. Triệu Tiết nói rằng: ''Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên, Thân Cảnh Phúc ở động Giáp đều cầm cường binh''.

Nhưng lực lượng vũ trang của các dân tộc miền núi này rõ ràng là không thể chặn đứng được giặc. Với sức mạnh to lớn ban đầu, các mũi tiến công của bộ binh Tống có thể vượt qua những chiến tuyến phụ của quân ta. Tuy nhiên muốn đến được Thăng Long, dù đi đường nào, cũng phải qua sông Cầu. Dòng sông chặn ngang tất cả các con đường bộ từ Quảng Tây vào Thiên Đức (Thăng Long). Đường thủy từ Bạch Đằng muốn vào Thiên Đức – Thăng Long cũng phải qua sông Cầu ở khu vực Vạn Xuân. Thượng lưu sông Cầu rất hiểm trở, khúc sông từ Thái Nguyên đến Đa Phúc có thể qua lại được nhưng sang sông rồi lại gặp phải dãy núi Tam Đảo khó vượt qua.

Tại bờ nam sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt cho đắp đất làm chiến lũy dọc sông. Phía ngoài lũy, mặt giáp sông, ông sai đắp cọc tre làm nhiều lớp giậu. Dưới bãi sông còn có những hố chông ngầm. Sông rộng, chông ngầm, giậu dày, luỹ cao kết hợp với nhau chặt chẽ tạo thành một chiến tuyến lợi hại.

Nói chung chiến tuyến Như Nguyệt chạy dài từ Ngã Ba Xà đến Vạn Xuân (Phả Lại). Nhưng trên đoạn sông này, hai bên bờ có nhiều chỗ núi ăn sát bờ sông (núi Nham Biền ở huyện Việt Yên, Bắc Giang), hoặc rừng cây um tùm. Ở những chỗ đó không cần thiết phải đắp chiến luỹ. Lý Thường Kiệt chỉ cho tập trung đắp luỹ làm rào ở những nơi địch có khả năng vượt sông và quan trọng nhất là khu vực bến Như Nguyệt, Thị Cầu, Vạn Xuân.

Quân chủ lực được điều đến để chiến đấu bên chiến lũy. Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy ở đây. Một bộ phận quân đóng ngay bên phòng tuyến ở những vị trí xung yếu, những nơi địch có thể vượt qua. Theo sách Việt điện u linh, Lý Thường Kiệt cho đóng thành những trại quân: Như Nguyệt, Thị cầu Phấn Đồng (xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh) và Vạn Xuân. Đây là những cứ điểm quan trọng có thể liên hoàn thủy bộ, ứng cứu cho nhau nhanh chóng kịp thời. Theo truyền thuyết dân gian của một số làng thì đại bản doanh Lý Thường Kiệt ở xã Yên Phụ (Yên Phong, Bắc Ninh). Xã này nằm trên con đường cổ từ bến Như Nguyệt về Thăng Long, cách Như Nguyệt khoảng 6 km, không xa các đường khác về Thăng Long. Nơi đây lại có núi Thất Diệu gồm bảy ngọn núi thấp nổi lên giữa cánh đồng. Vị trí và địa hình này có thể phù hợp với yêu cầu chỉ huy sở của đại quân đã nêu ở trên.

Toàn bộ chủ lực quân, thủy bộ của ta trên chiến tuyến Như Nguyệt có thể và trên 6 vạn. Lý Thường Kiệt đã kết hợp địa hình tự nhiên, bãi chướng ngại vật với quân đội mà bố trí lực lượng có trọng điểm để vừa có thể kiểm soát, bảo vệ được toàn chiến tuyến vừa có thể nhanh chóng tập trung đánh lại có hiệu quả những mũi đột phá của địch và tổ chức phản công khi có thời cơ.

4. Đập tan 30 vạn quân xâm lược Tống

Quân Tống bắt đầu cuộc xâm lược nước ta vào mùa thu năm 1076. Tháng 7 âm lịch (năm Bính Thìn) toàn bộ quân đội của Quách Quỳ đã có mặt ở Đàm Châu (Hồ Nam) chuẩn bị xuống Ung Châu. Quách Quỳ cho những đội quân tiên phong đánh chiếm một vài nơi ở địa đầu nước ta để thăm dò tình hình. Giữa tháng 8 năm 1076, tướng địch Nhâm Khởi đánh chiếm được trại Ngọc Sơn ở biên giới châu Vĩnh An (Móng Cái). Quách Quỳ liền ra lệnh cho Hòa Mâu và Dương Tùng Tiên đem thủy quân lên đường. Từ Khâm Châu, thủy quân địch sang hải phận châu Vĩnh An để định theo sông Đông Kênh vào Bạch Đằng.

Lý Kế Nguyên lập tức cho quân ra chặn đứng thủy quân Tống. Lý Kế Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong bộ kế hoạch kháng chiến của Lý Thường Kiệt, chặn đứng thủy quân do Hòa Mâu và Dương Tùng Tiên chi huy.

Trên đường bộ, Quách Quỳ cho một số tướng giỏi như Yên Đạt, Tu Kỷ tiến đánh Quảng Nguyên vào tháng 12- 1076.

Lưu Kỉ và quân sĩ chiến đấu rất hăng hái, giết và bắt được khá nhiều giặc. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, nhân dân ở phía bắc châu Quảng Nguyên cũng tham gia đánh giặc chống cướp phá. Cho đến đầu năm l077, khi kiểm soát được Quảng Nguyên thì địch đã bị thiệt hại khá nhiều. Đại quân Quách Quỳ từ châu Tư Minh (Bằng Tường, Quảng Tây) theo nhiều ngả tiến vào nước ta. Ngày 8- 1- 1077 Quách Quỳ chỉ huy bộ phận chủ yếu, vượt ải Nam Quan vào Lạng Sơn. Địch theo đường thiên lí xuống Thăng Long. Quân ta rút khỏi Quyết Lí. Theo lệnh trên, Thân Cảnh Phúc cho quân trong rừng núi ven đường thiên lí, tiếp tục chiến đấu đánh tiêu hao địch. Thân Cảnh Phúc vẫn ở vùng động Giáp ráo riết đôn đốc quân chuẩn bị đánh giặc ở, ải Giáp Khẩu (Chi Lăng).

Quách Quỳ bỏ ý định tiến thẳng qua ải Giáp Khẩu theo đường thiên lí mà đem quân sang phía tây. Quân Tống vượt dãy núi Bắc Sơn đến Yên Thế rồi tới ven sông Cầu vùng Thái Nguyên. Sách Tục tư trị thông giám trường biên viết: ''Giặc đặt phục binh ở cửa ải Giáp Khẩu để đón quân ta. Quỳ biết nên đi đường tắt qua dãy núi Đâu Đỉnh mà tiến rồi tới sông Phú Lương''.

Ngày 18- l- 1077, đại quân Quách Quỳ đến bờ Bắc của đoạn đầu sông Như Nguyệt đối diện với bến đò Như Nguyệt, với đường cái lớn về Thăng Long. Định muốn hành quân tiếp, nhưng trước mặt là dòng Như Nguyệt và chiến tuyến của quân ở bờ Nam. Quách Quỳ định tổ chức vượt sông, tấn công quân ta, tiến thẳng về Thăng Long như kế hoạch dự định. Nhưng thủy binh địch bặt hẳn tăm tích. Quách Quỳ phải quyết định tạm đóng quân lại ở bờ Bắc sông Như Nguyệt. Với ý đồ chuẩn bị vượt sông, tiếp tục cuộc tiến công đánh chiếm kinh thành Thăng Long, nên địch không dàn đều lực lượng trên trận tuyến dài mà chúng đóng thành từng khối ở những vị trí xung yếu nhất là những bến đò, những con đường thuận lợi tiến về Thăng Long. Một bộ phận quan trọng quân Tống do phó tướng Triệu Tiết chỉ huy đóng ở bờ Bắc bến đò Như Nguyệt vùng thôn Mai Thượng, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Hà Bắc Phía địch, đại bản doanh của Quách Quỳ đóng ở phía đông, cách khu đóng quân của Triệu Tiết, Miêu Lí ở vùng xã Mai Đình 60 dặm khoảng hơn 30 kilômét. Đó có thể là địa điểm đối diện với Thị Cầu khu vực thị xã Bắc Ninh) thuộc huyện Việt Yên ngày nay. Đây là vị trí trọng yếu nằm trên đường thiên lí. Đạo quân do Quách Quỳ trực tiếp chỉ huy này là một trong những đạo quân chính.

Như vậy là địch chia quân làm hai khối lớn do chánh tướng và phó tướng trực tiếp chỉ huy, đóng cách nhau hơn 30 kilômét ở Bắc sông Như Nguyệt trước mặt hai bên đò lớn nằm trên hai trục đường quan trọng tiến về Thăng Long.

Khoảng giữa hai khối quân lớn, địch còn đóng giữ một số vị trí cần thiết để có thể liên hệ, tiếp ứng cho nhau khi tổ chức vượt sông hoặc khi bị tiến công. Trong số các vị trí đó có địa điểm núi Tiên Lát ở thôn Hạ Lát xã Tiên Sơn (huyện Việt Yên). Khu núi Tiên Lát gồm có Núi Voi, núi Chúc, núi Lều, núi Phượng Hoàng... cao dưới 80 mét. Đứng trên núi Phượng Hoàng có thể nhìn rõ một vệt dài ở bờ Nam sông Như Nguyệt từ xã Dũng Liệt đến xã Hòa Long (đều thuộc huyện Yên Phong) và đến cả vùng Thị Cầu.

Tiến xuống bờ Bắc sông Như Nguyệt, quân Tống chỉ còn cách Thăng Long khoảng 20 kilômét (tính theo đoạn Như Nguyệt - Thăng Long). Quách Quỳ nóng lòng muốn chiếm Thăng Long để thực hiện kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh như vua Tống đã căn dặn. Việc Quách Quỳ phải tạm dừng lại đợi thủy quân vào hợp đồng tác chiến là rất bất đắc dĩ.

Tướng giặc Vương Tiến được lệnh bắc cầu phao qua bến Như Nguyệt để cho đội quân xung kích của Miêu Lý sang sông. Đội quân này khoảng hai nghìn tên nhờ cầu phao qua sông dễ dàng và sau đấy chọc thủng được một chiến tuyến của quân ta.

Lợi dụng địa hình vùng Yên Phụ (Yên Phong, Bắc Ninh), Lý Thường Kiệt đánh giặc rất dữ dội. Giặc thua tan tác, số sống sót cùng Miêu Lý hoảng hốt chạy về bến Như Nguyệt, nhưng đến, nơi thì cầu phao đã bị cắt và quân ta lại tiến quân mạnh mẽ. Bên kia sông, Triệu Tiết cho bè sang cứu không được. Sách Tục tư trị thông giám trường biên chép: "Binh thế đứt đoạn, quân ít không địch nổi nhiều, bị giặc (chỉ quân ta - TG) ngăn chặn rơi ngã xuống bờ sông”. Phần lớn đội quân xung kích của địch bị tiêu diệt. Miêu Lý và một số ít tàn binh chạy về bờ Bắc. Cuộc tiến công mở màn của địch bên bờ Như nguyệt đã bị quân dân ta đập tan nhanh chóng.

Sau đó Quách Quỳ lại huy động một lực lượng mạnh hơn và đóng bè lớn qua sông lần hai. Mỗi lần bè đưa được 500 tên. Bè không có nhiều, lại phải quay về đón số mới. Hết lớp này đến lớp khác, quân Tống đỗ sang bờ Nam Như Nguyệt rồi xông lên phá bãi chướng ngại ven sông. Chúng chặt đốt những hàng rào bằng tre. Nhưng rào dày mấy tầng quân ta trặn chiến lũy lại đánh xuống dữ dội. Lớp trước bị tiêu diệt, lớp sang cứu viện cũng bị đánh tan. Học giả họ Trình nhà Tống đã mô tả như sau: ''Dùng bè chở 500 quân vượt sông vừa chặt vừa đốt mấy lần trại rào bằng tre không được. Đem bè không về chở cứu binh bị giặc (chỉ quân Lý Thường Kiệt - TG) bắt giết. Thế là quân ta không được cứu, kẻ trốn, kẻ chết, không thành công được''.

Hai lần vượt sông hai lần thất bại thảm hại, vì thế nên tuy còn trong tay gần nguyên vẹn số quân 10 vạn, số phu 20 vạn mà Quách Quỳ không dám nghĩ đến tiến công nữa. Quách Quỳ quyết định, dứt khoát phải chờ thủy binh và buồn rầu ra lệnh "Ai bàn đánh sẽ chém".

Chủ lực của địch là bộ binh và kị binh đã không thể liên hệ được với thủy binh và bị chặn đứng lại trước chiến tuyến sông Như Nguyệt. Quân địch tuy chiếm được khu Đông Bắc và bắc ngạn sông Cầu nhưng đã mất thế chủ động tiến công và bị hãm trong một địa bàn rất bất lợi. Đó là vùng thượng du và trung du, dân cư thưa thớt, quân Tống không thể vơ vét cướp bóc được. Lương ăn của đạo quân xâm lược hoàn toàn trông chờ vào việc vận chuyển tiếp tế bằng đường bộ của dân phu.

Quân dân ta vòng sau lưng địch lại phát triển các hoạt động du kích quấy rối liên tục. Những đoàn phu vận chuyển lương thực luôn bị chặn đánh. Những đội quân thượng du của ta cùng với dân chúng các tộc người thiểu số len lỏi trong rừng sâu, núi cao thường bất ngờ tiến ra đánh tỉa. Hoạt động mạnh nhất là đạo quân của phò mã Thân Cảnh Phúc ở vùng động Giáp. Sách Đại việt sử kí dẫn một đoạn trong sách Quế Hải chí như sau: ''Viên tri châu quan lang là phò mã bị thua, bèn trốn vào trong bụi cỏ, thấy quân Tống đi lẻ loi thì giết chết hoặc bắt về... Người ta cho là một vị thiên thần''. Quân Tống rất hoang mang lo sợ.

Hai tháng đã trôi qua quân Tống ngày càng bị tiêu hao về số lượng và đặc biệt nghiêm trọng, là quân Tống không thể vơ vét cướp bóc của cải được. Lương ăn của đạo quân xâm lược hoàn toàn trông chờ vào việc vận chuyển tiếp tế bằng đường bộ của dân phu. Viên quan chuyển vận sứ Lý Bình Nhất đã tính phải có 40 vạn phu, nhưng nhà Tống chỉ điều được 20 vạn. Do đó một số vũ khí và tên sắt của quân lính đã phải bỏ lại, lương thực không mang được nhiều.

Quân Tống tuy thế suy lực giảm nhưng vẫn còn một số lượng khá đông. Chúng vẫn đóng trên một trận tuyến dài khoảng 30 kilômét ở bờ Bắc sông Như Nguyệt. Từ lúc chuyển sang thế tạm thời cố thủ, chúng không dám tiến công ta dù bị khiêu khích, nhưng lại có âm mưu nhử quân ta sang bờ Bắc để tiêu diệt. Chúng đã bàn tính: "Nhử người tới đất mình lợi hơn mình tới đất người. Vậy nên ''giả cách không phòng bị, chúng nó (chỉ quân ta -TG) ắt tới đánh.

Trong điều kiện quân địch còn đông và lo phòng thủ như vậy nên ta không thể mở một cuộc tổng tiến công bao vây tiêu diệt toàn bộ quân địch. Lý Thường Kiệt chủ trương mở nhiều cuộc công kích để vừa có thể chia sẻ lực lượng vừa tiêu diệt được nhiều địch. Hai đối tượng chính mà Lý Thường Kiệt tập trung lực lượng đánh vào là khối quân của Quách Quỳ và Triệu Tiết.

Lý Thường Kiệt cử hai hoàng tử Hoẵng Chân và Chiêu Văn đem 400 chiến thuyền chở hai vạn quân từ Vạn Xuân ngược sông Như Nguyệt mở một cuộc tiến công vào doanh trại Quách Quỳ. Sử nhà Tống đã mô tả: "Vài vạn quân quát tháo, chửi mắng đến đánh”.

Cuộc tiến công của thủy quân ta đã gây cho địch nhiều thiệt hại. Nhưng quân ta cũng bị tổn thất, Hai hoàng tử Hương Chân, Chiêu Văn và mấy nghìn quân đã hi sinh. Cuộc tiến công chính diện này không chỉ nhằm tiêu diệt sinh lực địch mà còn nhằm thu hút lực lượng và tập trung sự chú ý của các khối quân địch vào đây. Việc đó tạo nên thời cơ cho mũi tiến công khác, mũi tiến công chủ yếu của Lý Thường Kiệt, bất ngờ tập kích vào chỗ sơ hở của địch để giành thắng lợi quyết định.

Trong lúc chính tướng Quách Quỳ mải lo đối phó với sự tiến công mạnh của thủy binh ta, Triệu Tiết và các tướng phụ trách các doanh trại khác cũng chăm chú theo dõi diễn biến chiến sự ở đó, thì gần như đồng thời, Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy đại quân ban đêm vượt bến đò Như Nguyệt, đánh úp doanh trại phó tướng Triệu Tiết ở xã Mai Đình đối diện với bến đò Như Nguyệt.

Khi đại bản doanh của Quách Quỳ bị tiến công ồ ạt, toàn bộ quân Tống ở các nơi và bản thân Triệu Tiết đang dồn sự chú ý vào mặt trận phía Quách Quỳ. Quân trở tay không kịp, bị đại bại, quân số bị tiêu diệt đến năm sáu phần mười. Sách Đại Việt sử lược đời Trần chép: ''Lý Thường Kiệt biết quân Tống sức lực đã khốn, đang đêm vượt sông tập kích, đại phá được quân Tống, mười phần chết đến năm, sáu".

Sử sách ghi chép quá sơ sài về diễn biến của trận tập kích này. Đại Việt sử kí toàn thư ghi "Một đêm quân sĩ (của ta), chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư.

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Đây chính là bài thơ thần kích động tinh thần yêu nước thành sức mạnh chiến đấu trực tiếp diệt thù. Nhân dân địa phương vẫn truyền tụng nhiều chi tiết và chỉ rõ những di tích ghi lại chiến công oanh liệt này, khu vực doanh trại địch biến thành bãi chiến trường. Hàng vạn xác giặc nằm ngổn ngang khắp cánh đồng, gò đất. Nhân dân địa phương gọi là cánh đồng xác, gò xác.

Thất bại này của quân Tống thật quá nặng nề. Chỉ một đêm, toàn bộ doanh trại gồm 3,4 vạn quân bị đánh tan tành, binh sĩ thương vong gần hết.

Thắng lợi của trận tập kích xuất phát từ bến Như Nguyệt này cộng với những thiệt hại mà ta gây cho địch ở khối quân Quách Qùy làm cho thế phòng ngự của quân Tống ở bờ Bắc bị rung chuyển hoàn toàn.

Chiến thắng Như Nguyệt lần thứ hai này vào cuối mùa xuân năm 1077. Đó là chiến thắng của trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa kết thúc chiến tranh. Qua lời than vãn của tướng địch ở trên cho thấy quân Tống đã ở vào cảnh thế cùng lực kiệt. Nếu còn đóng quân thì rõ ràng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, Nhưng rút lui thì mất thể diện của thiên triều''. Biết rõ ý chí xâm lược của giặc đã bị đè bẹp, Lý Thường Kiệt liền chủ động đưa đề nghị ''giảng hòa'', thực chất là mở một lối thoát cho quân Tống. Đó là chủ trương kết thúc chiến tranh mềm dẻo của Lý Thường Kiệt: ''dùng biện sĩ bàn hòa, không nhọc tướng tá, khỏi tốn xương máu mà bảo toàn được tôn miếu.

Ngay lập tức, vào tháng 3 năm 1077, quân Tống rút lui trong cảnh hỗn loạn. Quách Qùy sợ quân ta tập kích nên bí mật cho binh sĩ rút lui vào ban đêm. Tống sử đã ghi lại cảnh tượng đó như sau: ''Qùy muốn rút quân về, sợ giặc tập kích, bèn bắt quân lính khởi hành ban đêm, hàng ngũ không được chỉnh tề, tình hình hỗn loạn giẫm xéo lên nhau. Quân Tống rút đến đâu, Lý Thường Kiệt cho quân theo sát lấy lại đất đai đến đấy. Quân ta nhanh chóng thu hồi các Châu Môn, Quang Lang, Tô Mậu, Tư Lang. Riêng châu Quảng Nguyên (Cao Bằng) là miền đất có nhiều tài nguyên, nhất là mỏ vàng, nên nhà Tống có âm mưu chiếm đóng lâu dài. Nhưng rồi bằng những biện pháp đấu tranh kiên quyết, nhà Lý cũng lấy lại được vào năm 1079.

Từ trận đột kích Ung Châu đến trận tập kích Như Nguyệt (Mai Thượng) 30 vạn lính và phu của nhà Tống bị tiêu diệt. Trong lần xuất chinh 1076 - 1077 thì mười vạn quân ra đi, khi về còn lại hơn hai vạn (23.400). Tám vạn trong số hai mươi vạn phu đã bỏ mạng. Toàn bộ chi phí chiến tranh được người nhà Tống tính ra là 5.100.000 lạng vàng.

Tài liệu tham khảo:

Nhân vật liên quan đến sự kiện này

Lý Thường Kiệt (1019 - 1105)

  • 2 thg 12, 2
  • 399

Lý Thường Kiệt là một danh tướng, một hoạn quan đời nhà Lý có công đánh bại quân nhà Tống vào năm 1075-1077. Ông vốn họ Ngô tên là Tuấn, người phường Thái Hòa, thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Có tài liệu lại nói quê ông là làng An Xá, huyện Quảng Đức (Cơ Xá, huyện Gia Lâm ngày nay). Sau này ông được vua ban quốc tính, nên có tên là Lý Thường Kiệt. Ông đã trải qua 3 triều vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, ông có nhiều công lao trong việc chống Tống bình Chiêm, đóng góp xây dựng đất nước phồn vinh.

Lý Nhân Tông (1066 - 1127)

  • 2 thg 12, 2
  • 142

Lý Nhân Tông là vị vua thứ tư của triều Lý. Tên thật của ông là Lý Càn Đức. Ông nổi tiếng là một minh quân trong lịch sử Việt Nam, là người đặt nền móng xây nền giáo dục đại học Việt Nam.Ông sinh năm 1066, là con của Lý Thánh Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan.

Ỷ Lan (1044 - 1117)

  • 2 thg 12, 2
  • 211

Ỷ Lan là một Hoàng phi, Hoàng thái hậu nhà Lý, vợ thứ của vua Lý Thánh Tông, mẹ đẻ của vua Lý Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam. Bà xuất thân từ một gia đình nông dân, bà sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), quê làng Thổ Lỗi, lộ Bắc Giang (sau đổi là huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh)

Lý Đạo Thành (1053 - 1081)

  • 2 thg 9, 2014
  • 150

Thái sư Lý Đạo Thành là quan Tể tướng, đại thần phụ chính dưới hai triều vua nhà Lý là Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Là một vị quan thanh liêm, chính trực, một công thần nguyên lão của nhà Lý, trọn cuộc đời của Lý Đạo Thành đã đặt hết tấm lòng mình cho việc trung với vua, phụng sự nhân dân, đất nước dù cho con đường công danh không ít lần lên xuống.

Chủ đề

Liên kết chia sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.

Tranh luật nhân quả trong cuộc sống

tranh_nhan_qua_9

Tranh luật nhân quả trong cuộc sống

tranh_nhan_qua_14